Các dấu hiệu ung thư tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ rất cao trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong đó ung thư dạ dày chiếm 9,8%, ung thư đại trực tràng chiếm 9%. Tuy nhiên, nhìn chung các dấu hiệu ung thư hệ tiêu hóa rất mơ hồ và khó chẩn đoán. Một số triệu chứng ung thư đường tiêu hóa thường gặp như đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân…

1. Tìm hiểu về bệnh ung thư tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư khoang miệng, thực quản, dạ dày, vòm họng, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Ung thư tiêu hóa được coi là căn bệnh thầm lặng, hầu như không có dấu hiệu rõ ràng dù khối u đã xuất hiện và phát triển từ lâu.

Ung thư đường tiêu hóa có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị chính xác, kịp thời. Chẩn đoán ung thư tiêu hóa bằng nội soi toàn bộ đường tiêu hóa, nếu nghi ngờ có tổn thương thì sinh thiết và xét nghiệm tìm tế bào ung thư.

2. Dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa

Các dấu hiệu ung thư tiêu hóa rất mờ nhạt, thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Các khối u trong ruột có thể cản trở dòng chảy của thức ăn và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Khi khối u lớn hơn có thể gây tắc nghẽn dẫn đến đau bụng. Một khối u chảy máu có thể dẫn đến thiếu máu và làm cho phân có màu đen hoặc hắc ín. Tắc nghẽn (khi sự lưu thông của thức ăn bị chặn hoàn toàn) có thể gây đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn và phải phẫu thuật ngay lập tức.

Tuy nhiên, nhìn chung các dấu hiệu ung thư tiêu hóa rất mơ hồ và khó chẩn đoán. Một số dấu hiệu phổ biến của ung thư tiêu hóa bao gồm:

Đau bụng (đây là dấu hiệu điển hình nhất của ung thư tiêu hóa)

Sút cân không rõ nguyên nhân

Yếu hoặc mệt mỏi (đôi khi do thiếu máu)

Phân có máu hoặc hắc ín (do khối u chảy máu)

Một khối u đáng chú ý ở bụng

Các triệu chứng ung thư tiêu hóa có thể là dấu hiệu của các bệnh khác hoặc các bệnh đường tiêu hóa thông thường (rối loạn tiêu hóa,…). Tuy nhiên, thường thì các khối u nhỏ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Đôi khi ung thư có thể được phát hiện tình cờ trong một thủ thuật hoặc phẫu thuật không liên quan khác.

Ung thư phát triển chậm, như khối u carcinoid, có thể mất nhiều năm để phát hiện và chẩn đoán.

3. Tại sao phải tầm soát ung thư đường tiêu hóa?

Ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới hiện nay. Phần lớn các trường hợp bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn, tiên lượng điều trị hạn chế, đòi hỏi phải phối hợp nhiều phương pháp khác nhau cũng như quá trình điều trị lâu dài, phức tạp. Điều này gây mệt mỏi, tốn kém cho người bệnh cũng như gia đình và xã hội.

Đối với ung thư tiêu hóa nói riêng và các bệnh ung thư khác nói chung, để có tiên lượng tốt thì việc điều trị triệt để bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, tầm soát ung thư tiêu hóa là biện pháp khoa học, hiệu quả giúp phát hiện sớm ung thư tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phương án điều trị tốt nhất.